05/11/2021
Các tập đoàn lớn như AES (Virginia, Mỹ), Becamex, Danh Khôi… đã đồng loạt đầu tư hàng loạt siêu dự án với tổng mức vốn 4 tỷ USD trên địa bàn thị xã La Gi và huyện Hàm Tân.
Loạt siêu dự án 4 tỉ USD
Theo tin từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương), “Thỏa thuận liên doanh thành lập Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ” giữa Tập đoàn AES và PVGas đã được ký kết tại New York (Mỹ) trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ nằm ở xã Sơn Mỹ, Hàm Tân (giáp ranh thị xã La Gi), có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1,31 tỉ USD, công suất kho cảng là 3,6 triệu tấn/năm, dự kiến được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2025. Dự án có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo cung cấp khí hóa lỏng LNG cho nhu cầu phát điện của khu vực kinh tế trọng điểm tại Nam bộ nói riêng và cả Việt Nam nói chung.
Về phía Becamex, tập đoàn này sẽ triển khai dự án khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị Becamex VSIP Bình Thuận tại La Gi và Hàm Tân. Đây là dự án đầu tư liên doanh giữa Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và các công ty do Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) thực hiện.
Dự án có quy mô lên đến 4.984 ha với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD. Trong đó, khu công nghiệp có diện tích 2.000 ha, đại đô thị gần 3.000 ha. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong lịch sử Bình Thuận.
Mới đây, Tập đoàn Danh Khôi và DKRA Vietnam cũng hé lộ dự án phức hợp đô thị thương mại – dịch vụ và du lịch biển Lagi New City ở trung tâm thị xã La Gi, pháp lý sở hữu lâu dài. Dự án có quy mô 43,4ha và sở hữu 1,6km mặt biển, mật độ xây dựng chỉ 36,6%.
Lấy cảm hứng từ những những chi tiết cánh buồm, đường cong sóng biển, làng chài, ngư dân,… Lagi New City được thiết kế theo phong cách hiện đại nhưng vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa. Với mục tiêu trở thành điểm đến biểu tượng của La Gi, dự án đã dành 4,2ha cho diện tích cảnh quan và tiện ích nội khu; 4ha để phát triển thương mại – dịch vụ, nhằm thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, giải quyết bài toán đến La Gi chơi gì, ăn gì và mua gì.
Ngoài các dự án trên, gần 40 dự án lớn nhỏ khác cũng sẽ được triển khai tại La Gi trong giai đoạn 2021 – 2022, trước thời điểm La Gi được nâng cấp lên thành phố theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2025. Đây là lực đẩy khổng lồ đưa La Gi trở thành trung tâm kinh tế và du lịch lớn nhất ở khu vực phía Nam Bình Thuận.
Thị trường La Gi: Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa hội tụ!
Theo TS Trần Nguyễn Minh Hải – Đại học Ngân hàng TP.HCM, hiện tại La Gi đang hội tụ đủ các yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa để phát triển và thu hút dòng vốn “khủng” của các nhà đầu tư.
Thứ nhất, về thiên thời, dịch Covid-19 diễn ra khiến xu hướng di chuyển thay đổi mạnh, kéo theo sự thay đổi của xu hướng đầu tư. Cụ thể, các thị trường nghỉ dưỡng truyền thống như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đang mất dần tính hấp dẫn. Các vùng đất mới cách TP.HCM khoảng 1 – 2 tiếng di chuyển lên ngôi. Trong đó, La Gi thừa hưởng nhiều lợi thế nhất khi nằm tại trung điểm của cung đường ven biển dài nhất Việt Nam: Long Hải – Bình Châu – La Gi – Mũi Né với hai đầu là sân bay Long Thành và sân bay Phan Thiết.
Thứ nhì, về địa lợi, các công trình hạ tầng giao thông có lợi cho sự phát triển của La Gi được đồng loạt triển khai. Ở thời điểm hiện tại, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết là công trình trọng điểm quan trọng nhất. Trong các khu vực của Bình Thuận có cao tốc đi qua, La Gi là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất nhờ sở hữu vị trí ngay cửa ngõ của Bình Thuận – nơi đầu tiên cao tốc phải chạy qua trước khi tới Kê Gà, Mũi Né, Phan Thiết.
Hiện tại, Bình Thuận đang gấp rút triển khai hai trục đường kết nối từ cao tốc đến QL1A rồi tiếp tục đi thẳng đến La Gi theo QL55 hoặc đường song song QL55. Khi hoàn thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM về La Gi còn 1,5 giờ; từ sân bay Phan Thiết hoặc sân bay Long Thành về La Gi còn 1 giờ.
Ngoài cao tốc, sân bay Long Thành và sân bay Phan Thiết cũng đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Khi 2 sân bay này được hoàn thành, sẽ mang hàng triệu du khách miền Bắc và quốc tế đến với La Gi, gia tăng nguồn doanh thu du lịch.
Cuối cùng, về nhân hòa, mới đây, Tỉnh ủy Bình Thuận đã đồng ý với đề xuất nâng cấp thị xã La Gi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và tiến hành nâng cấp, mở rộng các tuyến đường quan trọng. Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định, La Gi là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh và kết nối với Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trước thông tin mới về quy hoạch La Gi, giới đầu tư quan tâm đến cung đường ven biển mới cho rằng khu vực này có nhiều triển vọng về giá. Cụ thể, tuy không thực sự tương đồng về lợi thế tự nhiên, song diễn biến thị trường bất động sản La Gi có thể diễn ra tương tự như kịch bản đã xảy ra tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hà Tiên (Kiên Giang) trước thời điểm lên thành phố.